Friday, 19/04/2024 - 23:48|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Giao Yến
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

QUYỀN LỰC MỀM CỦA MỘT TRÁI TIM

Trong thời gian vừa qua, trường THPT Trần Hưng Đạo cùng với các cơ sở giáo dục khác trong toàn tỉnh đã tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến theo công văn hướng dẫn số 1306/KH-SGDĐT của Sở GD&ĐT Nam Định. Hội nghị đã khơi dậy và tạo động lực cho toàn thể CB, GV, CNV nhà trường góp phần cùng toàn ngành trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh công tác chuyên môn, việc tham gia các hoạt động giáo dục đạo đức học sinh cũng là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người giáo viên. Tâm huyết, cần mẫn và công bằng khi làm việc, người thầy sẽ tạo ra quyền lực, thứ quyền lực mềm để cảm hoá và tôi rèn nhân cách học trò.

Những thầy cô giáo khi lần đầu đến trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định nhận công tác đã rất cảm động thốt lên: Cảm giác của tôi cực kì thích thú khi gặp các em học sinh của trường và liên tục nhận được lời “Em chào cô ạ!”, “Em xin phép đi trước ạ!”. Cảm giác đó khiến các thầy cô giáo rất tò mò muốn biết điều gì đã góp phần quan trọng làm nên kỉ luật ấy của học sinh nhà trường và đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi của mình khi cùng tham gia công tác thường trực giáo dục đạo đức học sinh, được làm việc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thầy giáo- Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn.

Người thầy tạo được những quyền lực mềm

Thầy Nguyễn Trọng Tuấn nhận nhiệm vụ là Trưởng ban Thường trực giáo dục đạo đức học sinh của nhà trường từ năm 2006, khi đó thầy đã trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau. “Mình đã từng làm công tác Đoàn TNCSHCM 8 năm, làm chủ nhiệm lớp từ năm học 1987-1988. Vì vậy những diễn biến đạo đức học sinh, đặc biệt là học sinh cá biệt mình đã có những trải nghiệm quý. Tuy vậy giải quyết vấn đề của giáo dục đạo đức học sinh trong một lớp khác hoàn toàn với vấn đề của học sinh toàn trường nên bản thân mình phải học hỏi từ các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm, tự đọc các tài liệu về giáo dục đạo đức, tìm hiểu cách xử lý sư phạm của những nhà Giáo dục học nổi tiếng...”- Thầy Tuấn cho biết. Khi gặp gỡ giúp đỡ các học trò mắc lỗi, thầy có cách trao đổi rất riêng và thường chỉ trong vài câu hỏi, thầy đã có thể tìm hiểu được toàn bộ vấn đề, có nhiều trường hợp thú vị là thầy còn đọc luôn cả tên, họ, tiểu sử của phụ huynh của học trò (vốn là học trò cũ của thầy nhiều năm về trước). Trí nhớ, am hiểu và sự ôn tồn nhưng rất kiên quyết, nghiêm khắc khi thầy giải quyết các tình huống phạm lỗi của học trò đã tạo nên quyền lực mềm của người làm giáo dục.

Ban đầu, khi nhận nhiệm vụ trong ban của thầy Tuấn, nhìn chung các giáo viên trẻ thường cảm thấy lo lắng, nhưng khi được thầy tâm sự “Nếu bạn làm công tác chủ nhiệm, bạn chỉ giáo dục một vài em trong lớp mình, còn khi làm trong ban Thường trực giáo dục đạo đức bạn sẽ được giáo dục nhiều em học sinh hơn, nhiều ca điển hình và mình giống bác sĩ từ bệnh viện địa phương lên làm ở bệnh viện tuyến trung ương…” thì các thầy cô luôn vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ. Hàng ngày, thầy Tuấn cùng các giáo viên trong ban phải làm việc từ rất sớm. Dù thời tiết như thế nào, kể cả những ngày trời mùa đông lạnh, sương mù dày đặc, thầy cũng luôn là người có mặt đầu tiên. Sự cần mẫn của thầy khiến các đồng nghiệp và các em học sinh được nhận nhiệm vụ trực tuần cũng nghiêm túc hơn khi làm việc. Với thầy, cần mẫn, hết mình với công việc cũng là một quyền lực mềm của một nhà giáo.

(Thầy và trò cùng bắt đầu công việc đầu giờ học chiều - ảnh Minh Nghĩa)

Cô giáo Trần Thị Đoan Trang, người đã từng làm việc với thầy Tuấn chia sẻ: “Nhiều ngày cùng trực với thầy Tuấn, tôi thấy những phụ huynh học sinh đến trường để xin nghỉ học cho con hay được mời đến để trao đổi về tình hình rèn luyện của con mình, khi gặp thầy Tuấn, họ luôn có thái độ rất kính cẩn và bao giờ cũng kèm theo những câu chuyện kể về kỉ niệm khi còn là học trò đã được thầy quan tâm giúp đỡ. Có hôm trời chuyển lạnh, mấy cậu học trò mặc áo cộc tay đến trường, thầy gọi lại nhất định yêu cầu học sinh đọc số điện thoại để thầy gọi cho bố mẹ đem áo ấm đến, “trời này mà mặc vậy thì ốm mất!”. Quyền lực mềm của thầy được thể hiện trong sự quan tâm rất chân thành tới mỗi đứa học trò.

(Nụ cười sau công việc - ảnh Minh Nghĩa)

Với học trò, thế hệ nào cũng được thầy dành hết cả mọi thời gian của mình để đồng hành, uốn nắn. Với đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp trẻ, thầy Tuấn là một người anh tận tâm hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm và kĩ năng làm việc. Mỗi buổi trực cùng thầy là mỗi lần các giáo viên trẻ lại học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm trong xử lý các tình huống sư phạm như khi gặp gỡ phụ huynh học sinh, như khi học trò chưa ngoan, hay khi học trò có mâu thuẫn… Cô giáo Vũ Thị Thuỳ, một giáo viên chủ nhiệm thường nhờ thầy tư vấn giải quyết tình huống với học sinh cho biết: Thầy Tuấn giúp đỡ những “ca” mà giáo viên chủ nhiệm gặp khó khăn như một niềm vui của công việc, thầy giải quyết mọi vấn đề đều dựa trên nguyên tắc công bằng và giúp cho học trò những điều tốt nhất. Quyền lực mềm của thầy chính là sự công bằng!

(Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn - ảnh Minh Nghĩa)

Thầy Nguyễn Trọng Tuấn đã được Nhà Nước vinh danh Nhà Giáo Ưu tú năm 2017 và sẽ nghỉ hưu từ tháng 7 năm 2020. Ai đó có thể nghĩ, chia tay với công việc là buồn và hụt hẫng, nhưng với thầy Tuấn là sự tự hào vì đã hết mình với những tháng năm thực hiện sứ mệnh của một người thầy, tự hào vì đã trao lại những Quyền lực mềm của trái tim một nhà giáo đáng kính!

Tác giả: Nguyễn Thị Nhàn


Tổng số điểm của bài viết là: 74 trong 18 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan